"Khi chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo cho việc ra thị trường thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất hớn hở vào Việt Nam. Nên ngành chăn nuôi, kinh doanh gà đang đứng trước một thách thức rất lớn".
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho biết như thế tại Hội thảo "Vượt qua hàng rào kỹ thuật của ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu sang châu Âu" ngày 17/8 tại TP.HCM.
Những năm gần đây Việt Nam nhập khẩu rất nhiều thịt gà từ Brazil, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, đó là một phần tất yếu của các hiệp định thương mại tự do. Vậy trong nước, việc chăn nuôi gà, thương mại đang diễn ra như thế nào?
Khung quản lý về chất lượng an toàn thực phẩm khá tốt
Thực tế, theo báo cáo của ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố hồi tháng 3/2017 chỉ ra rằng, khung quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm của Việt Nam là rất tốt, hiện đại.
Ngân hàng thế giới chấm cho Việt Nam về hạ tầng cơ sở quản lý chất lượng thấp nhất là 4/5 điểm, so với khu vực thì Việt Nam hơn Indonesia, Philippines.
Tuy nhiên, trên thị trường thì rất khác
Nhưng nhìn trên thị trường lại rất khác, bà Kim Thanh cho biết, theo Tạp chí khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp công bố năm 2017, sau một đợt lấy mẫu, người ta phát hiện có 68,5% mẫu thịt gà của Việt Nam nhiễm kháng sinh, và 37,2% mẫu thịt gà nhiễm Salmonella.
Bà Thanh cho biết thêm, tiến sĩ Juan J Carrique-Mas trong một nghiên cứu công bố năm 2014 cho thấy, lượng kháng sinh sử dụng ở các trại nuôi gà vùng ĐBSCL cao gấp 6 lần, trong đó có 84% sử dụng cho mục đích phòng bệnh.
Đồng tình với nhận định này, bà Bà Marieke Van Der Pijl – Eurocham cho hay, nhiễm kháng sinh và salmonella là một trong những vấn đề nổi cộm của thực phẩm Việt Nam liên quan đến ngành thịt.
Vì sao được đánh giá cao nhưng thực tế thị trường lại khác?
Tại sao được đánh giá cao mà thực tế ngoài thị trường lại như thế, bà Kim Thanh cho rằng cần tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hợp lý.
Theo chuyên gia Kim Thanh, hiện nay, không có sự trao đổi thông tin giữa người nuôi với các mắt xích tiếp theo ở trong chuỗi gà. "Đây là điều quan trọng, vì mình bán cái mình có cho thị trường hay bán cái thị trường cần, không biết thị trường như nào thì làm sao làm được", bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, như khi con gà tới nhà giết mổ, thì nhà giết mổ phải có biện pháp nào đó ghi chép lại, số lượng ra sao, bị gì,…thông tin này nói lên con gà đó nuôi như thế nào, được bắt ra sao, vận chuyển như nào… để biết nếu có vấn đề thì nó nằm ở đâu.
Như vậy, theo bà Thanh, hệ thống quản, lý hay những biện pháp đang áp dụng chưa dựa trên đánh, tiếp cận rủi ro. Và hệ thống kiểm tra đánh giá theo từng mắt xích luật định hiện có chưa tương thích với các thực hành quốc tế.
Trong thực hành quốc tế thì không phải chỉ kiểm tra sản phẩm ở đầu cuối mà nó mang tính chất phòng ngừa, phải kiểm tra từ khâu sản xuất trước khi nó được đưa ra khỏi trang trại.
Bên cạnh đó, tính minh bạch trao đổi thông tin trên toàn chuỗi thì gần như đứt hẳn, không có cách nào biết cụ thể con gà này đường đi nó như thế nào, qua những đâu rồi…
Cuối cùng là giám sát hành trình của con gà từ lúc nó nở ra đến khi lên bàn ăn của người dùng cũng rất thiếu xót. Theo bà Thanh, đây cũng chính là nguyên nhân khiến phân khúc thịt gà nội địa khó cạnh tranh với các loại thịt gà nhập khẩu.
Như vậy, ngay cả thị trường trong nước, thịt gà Việt Nam đã lao đao như vậy. Liệu khi xuất khẩu sẽ cạnh tranh như thế nào để đáp ứng cho yêu cầu của các thị trường khó tính?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét