Kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng tích cực, giá thành sản xuất của Trung Quốc có xu hướng tăng làm giảm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2017 đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 36,9% so với năm 2016. Hầu hết các mặt hàng đều đạt kim ngạch xuất khẩu cao và tăng trưởng dương 2 con số.
Đây là thị trường lớn nhất của mặt hàng cao su xuất khẩu, rau quả và sắn các loại, đứng thứ 3 về hạt điều và thủy sản (tăng từ vị trí thứ 5 năm 2016), đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Trung Quốc- Miền đất hứa của nông thủy sản xuất khẩu Việt. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng tích cực, giá thành sản xuất của Trung Quốc có xu hướng tăng làm giảm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Đối với mặt hàng thủy sản, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường này rất lớn và đa dạng do dân số đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh sản xuất trong nước vướng phải vấn đề môi trường và suy giảm sản lượng, nhu cầu nhập khẩu nhập khẩu thủy sản phục vụ tiêu dùng và chế biến tái xuất khẩu sang các nước khác càng tăng.
Theo dự báo của FAO, Trung Quốc sẽ là nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, tiêu thụ thủy sản tươi tăng 4,8%/năm từ nay đến năm 2020, tiêu thụ bình quân đầu người đạt 35,9kg/người năm 2020 (năm 2010 là 33,1kg/người).
Trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ và EU tăng trưởng chậm, Trung Quốc đang và tiếp tục là thị trường thay thế tiềm năng với cơ hội cũng như dư địa tăng trưởng xuất khẩu lớn.
Với mặt hàng rau quả, theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2017-2020, chiếm 15,1% tổng tiêu thụ thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Đặc biệt thị hiếu người tiêu dùng đối với các loại rau quả nhiệt đới rõ nét hơn.
Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Định hướng xuất khẩu rau quả thời gian tới là tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ trực tiếp tại các thành phố lớn trong nội địa Trung Quốc.
Trung Quốc cũng là thị trường đầy hứa hẹn với mặt hàng sữa. Theo Cục Xuất nhập khẩu, đây là nước sản xuất sữa lớn thứ 3 và nhập khẩu lớn nhất thế giới để phục vụ tiêu dùng nội địa, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ bê bối Melanine về an toàn thực phẩm từ năm 2013 đến nay.
Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tăng trưởng cao, bền vững do tốc độ đô thị hóa nhanh, thói quen ăn uống thay đổi, chuỗi cung ứng lạnh được mở rộng. Tính đến năm 2025, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45%. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa nằm trong số 35 quốc gia được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sữa vào thị trường này.
Các sản phẩm sữa của doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Hanoimilk, TH Truemilk... Đã xuất khẩu sang hơn 40 thị trường với chất lượng đảm bảo, phù hợp với tiêu chuẩn CODEX, do đó dự kiến mặt hàng này sẽ tăng trưởng mạnh nếu được mở cửa thị trường thời gian tới.
Mặc dù vậy, Trung Quốc đã trở thành một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Theo đó, nước này tăng cường quản lý khu vực biên giới, siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nhập khẩu. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn kéo dài quá trình xem xét mở cửa chính thức tùy theo nhu cầu nhập khẩu tại từng thời điểm.
Thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên với xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét