Thứ Năm

Trang trại cỡ nhỏ - hiểm h��a tiềm tàng của Trung Quốc

Ngay cả khi đã có 14 điểm bùng phát dịch tả châu Phi ở Trung Quốc chỉ trong vòng một tháng, nông dân nuôi lợn Wang Wu vẫn không tin mối đe dọa tới sinh kế của ông là thật.
"Tôi đã nghe thông tin về bệnh tả lợn châu Phi nhưng rồi có người nói đó chỉ là tin đồn. Đó là tin sai sự thật", Wang Wu cho biết. Wang hiện nuôi đàn lợn 60 con tại một ngôi làng gần thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, dịch bệnh chỉ xuất hiện ở miền nam, Wang nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên là ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, hồi đầu tháng 8. Cáp Nhĩ Tân cũng chỉ cách Nga – nơi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lây lan trong nhiều năm – chỉ 500 km. Sự thiếu nhận thức của nông dân về loại virus gây ASF làm tăng thêm khó khăn cho nhà chức trách Trung Quốc trong kiểm soát bệnh dịch có độ lây lan cao này.
trang trai co nho hiem hoa tiem tang cua trung quoc
Lợn được nuôi tại một trang trại ở ngoại ô thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 5/9. Ảnh: Reuters.
Hiện chưa có vắc-xin phòng ASF và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%. Virus cũng có sức sống mạnh, tồn tại được nhiều tháng trong thịt lợn, thức ăn và không gây hại cho con người.
Trong nỗ lực nhằm ngăn cản sự lây lan của virus, nhà chức trách Trung Quốc đã nghiêm cấm vận chuyển gia súc sống từ hoặc qua các vùng bị ảnh hưởng, khiến giá thịt lợn tại một số vùng tăng mạnh. Các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại Trung Quốc đã đóng cửa trang trại của họ, hủy bỏ việc cho nhân viên sinh hoạt tại chỗ, hạn chế vận chuyển thức ăn và đón người từ bên ngoài vào – những người có thể mang mầm bệnh tới đàn gia súc. Tuy nhiên, những trang trại nuôi lợn nhỏ hơn được Reuters phỏng vấn tuần trước lại không làm gì để phòng ngừa ASF. Đây có thể là lý do chính cho việc dịch xuất hiện tại những trang trại có quy mô tương tự như của Wang, theo các chuyên gia.
"Bạn phải hiểu nguy cơ là gì", một chuyên gia thú y tại một trong những cơ sở nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, nói. "Nếu một chủ trang trại nhỏ không đủ nhận thức, ông ấy không thể quản lý những nguy cơ đó".
Chưa đủ xuyên suốt
Số lượng nông dân với sản lượng lợn dưới 500 con/năm chiếm 42% trong tổng sản lượng của Trung Quốc năm 2016, theo một nghiên cứu từ Rabobank. Tại tỉnh miền đông An Huy, nơi có nhiều điểm dịch ASF nhất cho đến nay, có rất ít trang trại quy mô lớn so với các vùng khác, Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, nói.
Bắc Kinh trong tháng 8 thông báo đã triển khai chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn về cách ngăn ngừa sự lây lan của dịch ASF.
Trung Quốc còn đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) trong giai đoạn 2014 – 2015 trong dự án phát triển các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát ASF. Trong số này có nâng cao nhận thức tại các vùng nông thôn, đặc biệt là ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi Wang sinh sống. Tài liệu về virus cũng được phát cho người dân và bác sĩ thú y khắp Trung Quốc, theo chi tiết chiến lược. Tuy nhiên, việc dịch bệnh lây lan nhanh trong những tuần gần đây làm dấy lên câu hỏi nỗ lực trên mang lại hiệu quả thế nào.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thông Trung Quốc chưa có bình luận về vấn đề này.
Wang nuôi lợn trên các khoảnh đất mở và mua thức ăn từ người bán hàng tận nhà. Ông không yêu cầu khử trùng – biện pháp tiêu chuẩn để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh – khi có người tới thăm trang trại.
Zhang Chao, nông dân 65 tuổi gần Cáp Nhĩ Tân, cũng có rất ít hiểu biết về ASF. Nhà chức trách địa phương gần đây phân phát cho Zhang một số chai thuốc khử trùng và yêu cầu ông cùng vợ tiến hành khử trùng trang trại – với khoảng vài chục con lợn, một cách triệt để. Hai vợ chồng Zhang vẫn chưa biết tại sao họ cần làm vậy. "Tôi chỉ là một nông dân nuôi lợn quy mô nhỏ. Việc tôi biết hay không biết về nó có khác gì nhau đâu? Tôi có thể làm gì chứ?", Zhang đặt câu hỏi.
Cơ hội cho sự hợp nhất?
Các nông dân quy mô lớn hơn dường như được tiếp cận thông tin tốt hơn. Tại một trang trại với 400 con lợn nái ở ngoại ô Bắc Kinh, chủ trang trại Ma nói bà đã được dự một cuộc họp của chính quyền về ASF cách đây vài tuần. Bà từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ.
trang trai co nho hiem hoa tiem tang cua trung quoc
Quầy thịt lợn tại một khu chợ ở ngoại ô thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Một áp phích trên tường trang trại của bà có hình ảnh các triệu chứng cần chú ý và mô tả những biện pháp ngăn dịch bệnh lây lan. Trong số đó có ngăn lợn tiếp xúc với thức ăn, sản phẩm thịt hoặc thiết bị nhiễm mầm bệnh, nuôi lợn cách xa khu vực có lợn rừng. "Dịch bệnh này thực sự khủng khiếp", Wang Liang, kỹ thuật viên tại trang trại của Ma, nói. "Chúng tôi đảm bảo khử trùng mọi thứ khi tới trang trại và ít tiếp xúc với người bên ngoài".
Tiếp cận và phổ biến kiến thức cho hàng triệu nông dân tại những vùng hẻo lánh ở Trung Quốc có thể là một nhiệm vụ bất khả thi, theo giới chuyên gia. "Họ là lính cứu hỏa", Pan của Rabobank nói, nhắc đến nỗ lực của nhà chức trách Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch bệnh. "Họ sẽ tới những vùng bị ảnh hưởng trước tiên nhưng họ lại không có nhiều nhân lực. Họ không thể bao quát mọi khu vực ngay lập tức".
ASF cũng có thể khiến Bắc Kinh đóng cửa nhiều trang trại nhỏ và thúc đẩy những "người chơi" quy mô lớn với khả năng an ninh sinh học tốt hơn và nhiều nguồn lực để đầu tư vào những hệ thống như vậy. "Lượng khách hàng của tôi đang tăng", một tư vấn viên về quản lý trang trại, văn phòng ở Thượng Hải, chuyên tư vấn cho các nhà sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc, nói. "Họ nghĩ đây sẽ là một cơ hội tốt".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét