Năm 2018, tròn 10 năm hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội mở rộng, nhìn lại thập niên qua có thể thấy ngành chăn nuôi Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ từ đô thị phụ thuộc cơ bản nguồn thịt, trứng, sữa nơi khác mang đến thành địa phương có quy mô chăn nuôi thuộc tốp đầu cả nước.
Chiếm 50% GDP nông nghiệp Thủ đô
Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, trong những năm qua ngành chăn nuôi của thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc và gia cầm lớn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp của Thủ đô. Dân số thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng, là thị trường tiêu thụ thực phẩm rất lớn của cả nước, nhất là nhu cầu về thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có chất lượng.
Chăn nuôi theo chuỗi của Hà Nội thời gian tới tập trung truyền thông thương hiệu và đi vào chiều sâu
Ngày 30/5/2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ngành chăn nuôi Thủ đô khi UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt Quyết định số 5818/QĐ-UBND về Dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Dự án chuỗi). Mục tiêu và nội dung chính của Dự án là hoàn thiện các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cụ thể, đến năm 2020 TP Hà Nội phấn đấu cung cấp cho thị trường mỗi ngày 14 tấn thịt lợn, 6,5 tấn thịt gia cầm, 105 nghìn quả trứng, 105 tấn sữa tươi và 1 tấn thịt bò. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt kế hoạch xây dựng 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao.
Chỉ sau hơn hai năm triển khai, nhiều nội dung chỉ tiêu của Dự án đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, hiệu quả của Dự án có sức lan tỏa rộng, nhiều chuỗi được phát triển thêm từ mô hình các chuỗi trong Dự án, một số chuỗi đã đi vào chiều sâu, xây dựng được thương hiệu uy tín, mang lại giá trị kinh tế, giá trị thương hiệu lớn.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện có: Đàn trâu trên 25.000 con, đàn bò gần 130.000 con (trong đó, bò sữa 15.675 con), đàn lợn trên 1,86 triệu con (lợn nái 211.000 con, lợn thịt trên 1,6 triệu con), đàn gia cầm gần 30 triệu con (trong đó gà 20 triệu con).
Sản lượng sản phẩm chăn nuôi: Thịt trâu trên 1.600 tấn, thịt bò 110.000 tấn, sản lượng sữa tươi trên 40.000 tấn, thịt lợn trên 330.000 tấn, thịt gia cầm 92.000 tấn (trong đó, sản lượng thịt gà đạt 72.000 tấn), sản lượng trứng gia cầm xấp xỉ 1,5 tỷ quả (trong đó, trứng gà đạt 769 triệu quả).
Đặc biệt, công tác giết mổ, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực. Hiện Hà Nội có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở bán công nghiệp và 1.048 cơ sở giết mổ thủ công.
Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các hệ thống chăn nuôi, giết mổ hiện đại hơn theo hướng công nghệ cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt cấp mát, cấp đông theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo ATVSTP ở mức độ cao.
Song song hai mô hình
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, về cơ bản chăn nuôi Thủ đô đã vào quy củ và định hình rõ tương lai sẽ phát triển song song hai mô hình là chuỗi khép kín và chuỗi liên kết. Trong đó, mô hình chuỗi khép kín sẽ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh: N.H
Tại các chuỗi này, trên cơ sở khả năng sẵn có và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung tư vấn cho doanh nghiệp phát triển hệ thống trang trại chăn nuôi vệ tinh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi đảm bảo ATVSTP tại các trại, đồng thời tư vấn doanh nghiệp tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thị trường, thương hiệu.
Để hình thành các mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín hiện đại, sau khi hợp nhất mở rộng địa giới hành chính năm 2008, đến năm 2011 Hà Nội đã phê duyệt "Chương trình Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015" với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, từng bước định hình được nhiều vùng chăn nuôi nằm trong quy hoạch sản xuất hàng hóa có quy mô lớn chủ yếu nằm trên địa bàn các xã có lợi thế về chăn nuôi thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Nhìn chung, để các chuỗi chăn nuôi khép kín của Hà Nội phát triển mạnh, khẳng định được thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn, có sự đầu tư lớn và đồng bộ tại tất cả các khâu từ chăn nuôi đến thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ.
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín được sự hỗ trợ của Hà Nội bắt đầu hoạt động có hiệu quả như chuỗi thực phẩm AZ (HTX Hoàng Long), chuỗi thực phẩm Tiên Viên (Cty CP Tiên Viên), chuỗi trứng gà 729 (Cty TNHH Chăn nuôi và trồng trọt Phú An); chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu...
Dẫn chứng tiêu biểu nhất trong việc thay đổi tư duy, thay đổi cách làm là câu chuyện chuỗi AZ của HTX Hoàng Long. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX những năm 2011 - 2012 khi HTX của ông vẫn là một anh nông dân chăn nuôi đơn thuần và nổi tiếng với mô hình xây chung cư nuôi lợn. Vậy mà sau nhiều năm mày mò thay đổi và tự thích ứng cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ ngành chăn nuôi Hà Nội, giờ HTX Hoàng Long với thương hiệu thịt AZ đã chủ động tiêu thụ được trên 60% sản lượng lợn nuôi ra thông qua hệ thống cửa hàng của chính mình và các đối tác. Mục tiêu của AZ là đến hết năm 2020 sẽ chủ động 100% đầu ra cho sản phẩm lợn của HTX.
Mô hình thứ hai Hà Nội đang kiện toàn chính là chuỗi liên kết. Với mô hình này, các tổ chức nông dân (Chi hội/HTX/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của Thành phố được xác định làm trọng tâm. Từ đó, ngành nông nghiệp thành phố giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Riêng các chuỗi liên kết, để giúp chuỗi phát triển bền vững, TP. Hà Nội đặc biệt chú trọng đào tạo, tập huấn, tổ chức nông dân rất kỹ lưỡng, bài bản và quy củ, đồng thời cần tăng cường thêm sự tham gia của các cơ quan nhà nước làm đầu mối liên kết để đảm bảo các bên thực hiện nghiêm các trách nhiệm ràng buộc.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm cũng như kiện toàn, song trong hơn 2 năm nỗ lực "cầm tay chỉ việc", Hà Nội cũng hình thành được một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có liên kết các tác nhân từ chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hoạt động có hiệu quả.
Điển hình như chuỗi gà Mía Sơn Tây (Hội Chăn nuôi - Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây); Chuỗi gà đồi Sóc Sơn (Hội Chăn nuôi - Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn); Chuỗi gà đồi Ba Vì (Hội Chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Ba Vì); Chuỗi thực phẩm Vinh Anh (VAF); Chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội (SHF)...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét