Thứ Sáu

Tỷ giá nổi sóng: Chọn đôla Mỹ hay tiền Việt có lợi?

Nhiều người vẫn có thói quen thích giữ đôla trong két sắt hơn là chuyển đổi sang tiền đồng.
Tỷ giá nổi sóng: Chọn đôla Mỹ hay tiền Việt có lợi?
Ảnh minh họa.
Sau một thời gian dài biến động mạnh, hôm qua (5/7) giá mua-bán USD tại các ngân hàng (NH) thương mại tương đối bình lặng nhưng vẫn đứng ở mức cao. Hiện phần lớn các NH niêm yết giá mua-bán USD ở mức từ gần 23.000 đến 23.100 VNĐ/USD.
Riêng giá USD trên thị trường tự do sau một ngày dịu xuống lại bật tăng thêm 25-30 đồng trong ngày hôm qua, lên mức phổ biến 23.110-23.135 VNĐ/USD. Điều này cho thấy đồng đôla trên thị trường chợ đen vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Tiền đồng vẫn có lợi hơn"
Trong bối cảnh giá đồng bạc xanh leo thang, cộng đồng các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp lo lắng đặt nhiều câu hỏi: Vay USD hay tiền Việt có lợi? Có nên găm giữ hay bán USD? Có nên đổ xô đi mua USD để găm giữ?...
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nói thực tế vẫn không ít người lựa chọn phương án gửi tiết kiệm bằng USD và chấp nhận lãi suất 0% bởi kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa tiền Việt mất giá thêm. Những người găm giữ USD không quan tâm nhiều đến sự chênh lệch về lãi suất giữa tiền gửi bằng USD và VNĐ mà chủ yếu nhằm mua sự yên tâm và nuôi kỳ vọng. Thậm chí không loại trừ khả năng khi tỷ giá USD tiếp tục tăng cao , một số người dân đi mua USD để găm giữ.
Tuy vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng 3% thì việc đổi tiền đồng sang USD để găm giữ là không có lợi. TS Hiếu phân tích: Từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng đồng đôla sẽ tăng thêm 1%-3%, tương đương tỷ giá sẽ bật lên mức 23.300-23.700 VNĐ/USD. Ngay trong trường hợp USD tăng giá tối đa 3% và lạm phát tăng 4%, trong khi lãi suất tiền đồng NH huy động ở mức 7%-8%/năm. Như vậy, gửi tiết kiệm bằng VNĐ vẫn có lợi hơn rất nhiều.
Ví dụ, khách hàng gửi 50.000 USD với lãi suất gửi 0% (theo quy định hiện nay gửi USD không được hưởng lãi suất), một năm sau tỷ giá tăng 3%, lên mức 23.700 VNĐ/USD. Tính ra từ số tiền 50.000 USD ban đầu, người gửi sẽ có lời hơn 35 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá.
Nhưng cũng với 50.000 USD đổi ra tiền đồng, tương đương khoảng 1,13 tỷ đồng, để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm. Nếu tính lãi suất tiền gửi là 7%/năm thì một năm sau số tiền lãi sẽ là gần 80 triệu đồng. Nghĩa là gửi bằng tiền đồng lời cao hơn 45 triệu đồng so với gửi hoặc găm giữ USD.
Về phía NH, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn, nhận định: Việc tỷ giá liên tục điều chỉnh trong thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chính là đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới. Dù trong thời gian ngắn đồng USD liên tục tăng nhưng mức biến động của tỷ giá vẫn khá nhỏ và khả năng USD tăng lên 23.700 VNĐ/USD vào cuối năm là thấp.
Trong khi lãi suất tiền gửi USD vẫn bằng 0% thì chênh lệch lãi suất tiền gửi VNĐ và USD đang duy trì ở mức 5,5%-8%/năm tùy từng kỳ hạn. "Tóm lại, với những người có nhu cầu cần USD để phục vụ cho việc đi chữa bệnh, du lịch, gửi tiền cho con đi du học… thì có thể cần tích trữ USD để khi cần không phải mất công đến NH làm thủ tục mua. Còn nếu nói về hiệu quả tài chính thì khách hàng găm giữ USD vẫn không hiệu quả so với việc gửi tiền đồng", ông Hoàn phân tích.
Không lo thiếu đôla
Trước sự tăng rất mạnh của tỷ giá USD/VNĐ, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên tiếng khẳng định mức tăng của tỷ giá thời gian qua đã nằm trong kế hoạch và được đơn vị nắm bắt. NH Nhà nước đã chủ động phương án điều hành tỷ giá, sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cung cầu thị trường có vấn đề để kiểm soát tỷ giá, tránh biến động gây bất ổn vĩ mô.
NH Nhà nước cho hay từ đầu năm đến nay đã mua ròng trên thị trường 11 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD. Đây chính là yếu tố giúp NH Nhà nước tự tin trong việc điều hành ổn định tỷ giá ngoại tệ. Nếu cần thiết, NH Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Sau những thông điệp trên, trong vài ngày qua, NH Nhà nước liên tục có những động thái mạnh nhằm hạ nhiệt cơn biến động tỷ giá. Đơn cử ngày 3/7, Sở Giao dịch NH Nhà nước bán USD với mức 23.050 VNĐ, giảm tới 244 VNĐ so với phiên liền trước và thấp hơn tới 264 VNĐ so với mức trần. Mức giá bán ra áp thấp và giảm sâu như trên đồng nghĩa với việc các thành viên thị trường có nhu cầu mua USD, đáp ứng các điều kiện quy định sẽ được nhà điều hành bán hỗ trợ chỉ với mức giá thấp.
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn, cho hay: Có thể USD trên thị trường tự do tăng do mục đích đầu cơ, đầu tư chứ trên thị trường liên NH nguồn cung USD vô cùng dồi dào, không hề có dấu hiệu khan hiếm.
"Thị trường trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ từ các dòng vốn nước ngoài như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp… vẫn hoạt động tích cực và hiệu quả", ông Hoàn khẳng định.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nếu tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế. Nếu phá giá mạnh VNĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VNĐ. Thêm nữa, tỷ giá tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá theo như xăng dầu, điện nước, giá y tế, giáo dục... Như vậy, khó khăn cho kiểm soát lạm phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét