Nói về tình hình biến động của thị trường giá lợn hiện tại, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), một trong những đơn vị, trung tâm nuôi lợn quy mô lớn nhất ở miền Bắc cho rằng, đợt tăng giá lợn trong mấy ngày gần đây đang có nhiều dấu hiệu bất thường và một trong những nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng đột biến có thể là do có "bàn tay" can thiệp từ phía các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài ở Việt Nam (công ty FDI), trong đó có C.P.
Ông Chiến lo ngại ngành chăn nuôi của Việt Nam sắp về tay công ty FDI sẽ gây ảnh hưởng thiệt hại lớn cho nông hộ chăn nuôi trong nước.
Công ty FDI đang vươn "vòi bạch tuộc" để hốt trọn ngành chăn nuôi
Theo ông Chiến, có 3 nguyên nhân khiến giá lợn tăng đột biến trong mấy qua. Nguyên nhân đầu tiên là, sau thời gian khủng hoảng giá lợn kéo dài đã làm cho nhiều trang trại, nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ nặng dẫn đến phá sản nhiều, theo đó lượng đầu lợn trong dân cũng đã giảm khoảng 40-50%. Nguyên nhân thứ hai có thể do các hộ còn giữ được đàn lợn đến giờ đang dè dặt, giữ lợn chờ giá lên cao mới xuất chuồng làm cho nguồn cung giảm khiến giá lợn tăng nhanh, có nơi hiện đã tăng lên trên dưới 50.000 đồng/kg lợn hơi.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, có thể đợt tăng giá này có "bàn tay" can thiệp từ phía các công ty FDI. Bởi hiện nay, lượng lợn trong dân không còn nhiều mà chủ yếu số lượng lợn lớn nằm ở các doanh nghiệp, công ty FDI này nên họ sẽ dễ dàng làm giá, phá vỡ quy luật cung - cầu bất cứ lúc nào họ muốn.
"Vấn đề này tôi đã nói và trao đổi nhiều lần với các cấp lãnh đạo, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ NNPTNT và lãnh đạo Chính phủ trong một hội nghị được tổ chức cách đây 1 năm về trước là giá lợn sẽ có lúc sẽ lao dốc xuống đáy và đến một ngày nào đó giá sẽ tăng cao trở lại nhưng lợi nhuận mang lại lúc đó sẽ về tay doanh nghiệp, công ty FDI, và người thiệt thòi, thiệt hại nặng nhất sẽ là các nông hộ - nguời dân của chúng ta", ông Chiến nói.
Từng là một HTX chăn nuôi lợn quy mô lớn có tiếng ở miền Bắc với trên 700 trang trại và giải quyết việc làm cho hàng nghìn người nhưng đến thời điểm hiện tại phần lớn số xã viên của HTX Chăn nuôi Cổ Đông đã chuyển sang chăn nuôi gia công của các doanh nghiệp, trong đó phần lớn là C.P. Cụ thể, hiện tổng số đàn lợn của HTX Cổ Đông có khoảng 150.000 con thì trong đó có 130.000 con là của các trang trại thuộc doanh nghiệp, công ty FDI.
Ông Chiến cho biết, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại HTX của ông mà tại các vùng khác, các tỉnh khác, công ty FDI, cụ thể là công ty CP đang vươn "vòi bạch tuộc" thâu tóm các trang trại, bằng chứng mà chúng ta đang thấy là các trang trại chăn nuôi gia công cho họ đang ngày một tăng nhanh.
Hậu quả khôn lường: Nông dân mất việc, nông thôn ô nhiễm
"Nếu nhà nước ta không có một chính sách tốt, hợp lý và kịp thời thì ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong một đến hai năm tới sẽ về tay công ty FDI và lúc đó hậu quả sẽ là khôn lường, trước mắt là vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc xả thải từ các trại lợn của họ và cái mà chúng ta đã nhìn thấy là các nông hộ trong nước từng làm giàu từ chăn nuôi lợn nay đang chết dần, lao động nông thôn đã và đang mất việc hàng loạt và sắp tới hệ luỵ sẽ còn đau lòng hơn", ông Chiến khuyến cáo.
Nông dân chăm lợn tại trang trại ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Cũng theo ông Chiến, điều đáng nói hơn là hiện nay các doanh nghiệp, công ty FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách tín dụng, đất đai..., ví như trong chính sách tín dụng của Việt Nam đang thiếu đi sự công bằng, điều này vô hình chung đã tạo điều kiện cho các công ty FDI phát triển triển chăn nuôi ở Việt Nam.
Ông Chiến cho hay: Cùng là tài sản, tại sao cũng vẫn là chuồng trại, tài sản giống nhau nhưng khi ký hợp đồng gia công cho các công ty FDI người dân được vay vốn không cần thế chấp còn tự chăn nuôi lại không. "Chính bởi chính sách tín dụng thiếu công bằng này đang khiến các doanh nghiệp, HTX vừa và nhỏ ngày một teo tóp hơn, trong khi những tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, công ty FDI vốn đã lớn lại càng bành chướng. Nếu còn duy trì chính sách tín dụng bất cập như hiện nay những doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX ở nông thôn sẽ mãi không bao giờ lớn và không cạnh tranh được với các công ty FDI mà còn sẽ chết dần đi", ông Chiến khẳng định.
Theo ông Chiến, đứng trước các doanh nghiệp, công ty FDI có thế mạnh về chăn nuôi gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi ở trong nước thì các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam lại đang hoạt động mờ nhạt và có phần bất lực. "Tôi thấy việc quản lý của nhà nước về vấn đề này chưa hiệu quả, chúng ta mới giải quyết được phần ngọn mà chưa chú trọng đến phần gốc của vấn đề, thực tế như trong thời gian vừa qua khi giá lợn lao dốc, nhà nước mới kêu gọi giải cứu nhưng cũng không xuể và người thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân Việt Nam mà thôi", ông Chiến ngậm ngùi.
Hai giải pháp để đối phó
Nói về kế sách giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định và bền vững, ông Chiến cho rằng: Trước mắt nhà nước, cụ thể là Bộ NNPTNT và Chính phủ cần làm sớm hai việc. Thứ nhất, cần đưa ra được biện pháp quản lý đàn lợn của các công ty FDI làm sao phải nắm được số lượng đàn lợn của họ và có biện pháp điều tiết, khống chế đàn ở mức phù hợp nhằm giúp cho người nuôi lợn ở Việt Nam có chỗ để nuôi lợn, có cửa để phát triển. Nếu khó kiểm soát đàn lợn, số lượng lợn của các công ty FD,I thì chúng ta phải dùng công cụ pháp luật như chính sách về thuế, con giống và đặc biệt là về môi trường, hiện nay phần lớn các trang trại chăn nuôi gia công cho C.P đều vi phạm không xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Ông Bùi khắc Thọ tắm chăm sóc đàn lợn tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang
Thứ hai , nhà nước phải làm quy hoạch và lựa chọn những vùng đất phù hợp về điều kiện tự nhiên và thuận lợi trong khâu xử lý môi trường thì lập trang trại chăn nuôi lợn. Đặc biệt khi lập vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung cần đồng bộ với vùng an toàn dịch bệnh như vành đai cách ly, khoảng cách giữa các trang trại phải cụ thể... Ngoài ra, chi phí đầu tư vào vùng chăn nuôi tập trung cần được nhà nước hỗ trợ về chính sách, chi phí.. Để thu hút người dân và doanh nghiệp ra chăn nuôi".
Đồng quan điểm với ông Chiến, bà Phùng Thị Thanh - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho hay: "Trong đợt giá lợn tăng lần này, người dân, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không được hưởng lợi nhiều mà chủ yếu là các doanh doanh, công ty FDI có lợi".
"Mong rằng, trong thời gian sắp tới, nhà nước có chính sách hỗ trợ, quản lý hợp lý, kịp thời để giúp người dân quay lại chăn nuôi và phát triển ngành mũi nhọn này để làm giàu", bà Thanh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét