Không bị kiểm soát và giới hạn bởi bất kỳ quy định và quốc gia nào, giá trị lớn tương đương vàng, và ngày càng trở nên phổ biến trong các giao dịch hàng ngày là những ưu điểm của bitcoin. Nhưng những ưu điểm này cũng trở thành nhược điểm của đồng tiền ảo, khi giới tội phạm sử dụng nó như một hình thức mới cho hoạt động rửa tiền.
Tin tặc yêu cầu thanh toán bằng bitcoin để chuộc dữ liệu trong cuộc tấn công WannaCry vào tuần trước. (Nguồn: theguardian)
Tuần trước, cả thế giới đã bị chấn động vì cuộc tấn công mã độc đòi tiền chuộc với quy mô toàn cầu, với tên gọi WannaCry, và thay vì yêu cầu nạn nhân sử dụng tiền thật để chuộc dữ liệu như trước kia, tin tặc chuyển sang đòi bitcoin.
Việc sử dụng tiền ảo như một hình thức để các tổ chức xã hội đen rửa tiền cũng không còn mới. Theo tờ Guardian, năm 2009, các băng đảng tội phạm tại Anh đã sử dụng một loại tiền ảo, được gọi là Linden Dollar trong trò chơi nổi tiếng thời điểm đó là Second Life, để mua các vật dụng ảo trong trò chơi, sau đó rao bán để lấy tiền sạch. Sự biến đổi trong hình thức mới này đã khiến tổ phòng chống tội phạm công nghệ cao của Anh điều đứng vì nó được tiến hành dễ dàng, nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và cơ quan hành pháp.
Ông David Price, giám đốc công ty tư vấn công nghệ Baringa Partners, khi trả lời phỏng vấn của tờ Guardian nói: “Nếu bạn có một tài khoản iTunes, bạn có thể tải về một bộ mã độc, một phần mềm tự động hóa, và bắt đầu lan truyền nó. Sau đó bạn có thể lên chợ đen trực tuyến và rửa số tiền bitcoin đó, rồi chuyển đổi chúng thành tiền mặt”.
Hoạt động tấn công mã độc đòi tiền bằng bitcoin phổ biến đến mức, theo nghiên cứu của công ty an ninh mạng Malwarebytes vào mùa hè năm ngoái, 40% công ty được khảo sát là mục tiêu tấn công của các tin tặc, và 54% là doanh nghiệp của Anh. Tờ theguardian cũng cho biết thêm, các ngân hàng lớn đang dự trữ bitcoin để phòng trường hợp bị tống tiền.
Vậy bitcoin là gì? Tại sao tin tặc lại lựa chọn bitcoin thay vì tiền mặt?
Đồng tiền không bị kiểm soát
Bitcoin là một loại tiền tệ mới được tạo ra bởi một người sử dụng bí danh Satoshi Nakamoto với công nghệ blockchain vào năm 2009. Các giao dịch của đồng tiền ảo được thực hiện mà không thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào như ngân hàng. Ngoài ra, cũng không mất phí giao dịch, và không yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân thực sự nên có thể giúp người mua hàng giấu tên.
Vì giao dịch của bitcoin không thông qua ngân hàng như thẻ tín dụng, nên sẽ rất khó để có thể theo dõi diễn biến các hoạt động giao dịch của đồng tiền ảo, cũng như các khoản thanh toán diễn ra ở đâu.
Bitcoin - đồng tiền ảo tương đương vàng
Các chuyên gia phân tích nhận định bitcoin có thể coi như một dạng tài sản an toàn giống như vàng, vì các nhà đầu tư cần tìm kiếm một loại tài sản thay thế khác trái phiếu và vàng khi thị trường xuất hiện quá nhiều bất ổn, lo ngại và nghi ngờ. Bitcoin và vàng có chung một vài đặc điểm đó là cả hai đều có nguồn cung hạn chế và đều ở trạng thái khá tĩnh.
Chỉ trong tháng 5, bitcoin đã có 4 lần lập kỷ luc mới. Lần tăng giá gần đây nhất là vào ngày thứ Sáu (19/5), đồng tiền ảo đã vượt ngưỡng 1.900 USD vì bất ổn chính trị đang diễn ra ở Washington. Trong khi, giá vàng kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu chỉ ở mức 1.255,6 USD/ounce.
Với đà tăng này, bitcoin sẽ sớm đạt được mức dự báo trước đó của chuyên gia kinh tế trưởng Steen Jakobsen của ngân hàng Saxo (Đan Mạch), là lên đến 2.000 USD trong năm 2017. Ngoài ra, chuyên gia Aurelien Menant, CEO của Gatecoin, nói với CNBC rằng ông dự đoán
giá bitcoin còn có thể lên đến 3.000 USD trong năm nay.
Giao dịch bitcoin ngày càng trở nên phổ biến, và được nhiều quốc gia áp dụng và ủng hộ. Các khoản thanh toán quốc tế trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn vì bitcoin không bị bó buộc bởi bất cứ quốc gia hay quy định nào. Những doanh nghiệp nhỏ ưa chuộng sử dụng đồng tiền ảo vì sẽ không phải trả chi phí tín dụng.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản gần đây đã hợp pháp hóa bitcoin như một phương thức thanh toán, khiến khối lượng giao dịch của đồng tiền ảo bằng yen Nhật tăng đáng kể. Theo số liệu từ trang web CryptoCompare, khối lượng giao dịch bằng đồng yen Nhật và won Hàn Quốc đã tăng và cùng đóng góp cho khoảng 48,6% giao dịch của bitcoin.
Một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ đồng tiền ảo là Nga cũng đang tìm cách kiểm soát bitcoin, giúp đồng tiền ảo trở nên gần với các giao dịch tài sản chính thống hơn.
Tiềm năng của bitcoin trong việc cho phép tội phạm mạng có thể tiến hành các vụ tấn công đòi tiền chuộc lớn hơn vẫn rất khó để có thể đánh giá, song đã có những nỗ lực được tiến hành để ngăn chặn WannaCry và theo dõi các giao dịch của đồng tiền ảo, biến mã độc này giống như một trò chơi trẻ con. Tổng số tiền chuộc mà các tin tặc thu về cho cuộc tấn công mã độc hôm thứ Sáu (12/5) chỉ là khoảng 50.000 USD, tính đến sáng ngày 15/5. Tức là ít hơn 200 người trả mức tiền chuộc 300 USD, so với 200.000 máy tính bị nhiễm độc